Năm 2013, mình bắt đầu dạy toán cho học sinh trường quốc tế. Học sinh đầu tiên của mình là một bạn ở trường SIS, Singapore International School. Bạn học cấp 2 và chuẩn bị thi tốt nghiệp năm đó. Hồi đấy mình đi làm gia sư và thường xin lớp từ các trung tâm gia sư, lớp này thì có một điều đặc biệt.
Anh giám đốc bên trung tâm gia sư gọi cho mình và nói là có lớp dạy toán cấp 2 nhưng phải dạy bằng tiếng anh, lớp này anh đã giao gần 3 tháng mà không có ai dám nhận. Thử thách quá, lúc đó nào có biết dạy bằng tiếng anh sẽ thế nào, dạy bình thường đã khó rồi.
"Để em thử, em nghĩ em làm được".
Sau khi gặp phụ huynh bạn đó ở Keang Nam, mình về chuẩn bị giáo án trong một tuần. Mình nghĩ một tuần sao đủ để hoàn thiện được giáo án, nhưng nếu để dài hơn thì việc học của bạn ý chậm quá nên mình hứa là một tuần sau sẽ quay lại dạy thử.
Đúng là khó thật. Chương trình học rất phức tạp với một gia sư chỉ dạy lớp 9 và lớp 12 như mình. Giáo trình, bài tập, cách thi, dạng đề thi hoàn toàn khác với chương trình Việt Nam. Sau khi mất phương hướng trong hai ngày đầu thì mình chuyển sang tư duy "Làm Cái Tối Thiểu".
Đọc thêm: Học toán kém? Chỉ cần giỏi 4 dạng đơn giản này
Có rất nhiều chủ đề toán trong chương trình của trường SIS ( và sau này thì mình biết đó là chương trình IGCSE), mình phân loại thành những chủ đề mình đã biết và những chủ đề mình chưa gặp bao giờ. Sau đó, phát triển bài tập và phân loại câu hỏi cho chủ đề mình đã biết. Những chủ đề còn lại mình tạm bỏ qua vì mình không biết phải bắt đầu từ đâu.
Vài năm sau.
Mình có nhiều học sinh hơn, trình độ toán đa dạng hơn. Những bạn học tốt sẽ gặp nhiều khó khăn ở những chủ đề KHÓ và gần như đồng ý học mình vì nghĩ mình giúp được các bạn ý hiểu hơn những chủ đề này.
Các bạn ý không biết rằng
Khó với các bạn nhưng cũng khó với mình.
Kiến thức này mình đã được học bao giờ đâu. Tự mò nó khổ lắm chứ. Nhưng mà nếu không tìm được cách giúp các bạn ý hiểu bài thì mình "mất dạy". Thế là phải tìm cách.
Mình tập hợp các bài toán mà các bạn cho là khó đó lại thành Bộ Sưu Tập. Trong đó gồm nhiều bài tập về cùng một chủ đề và đa số các bạn học sinh đều không biết cách làm. Mình nhớ rất rõ về từng chủ đề đó: Matrices, Transformation, Polynomial, Distribution.
Nói thật là dịch thành tiếng việt cũng khó hiểu chứ đừng nói là học bằng tiếng anh.
Ở trong từng chủ đề, mình tự giải các bài tập đó, khoảng 10 bài cho một chủ đề thì mình dừng. Tìm các thao tác toán học được lặp lại nhiều lần và đưa thành công thức giải theo cách của riêng mình.
Xem thêm: 5 Dạng Tài Liệu Giúp Tối Ưu 100% Hiệu Quả Học Tại Nhà
Tuy nhiên, vấn đề tiếp theo là ở công thức giải mà mình nghĩ ra đó.
Quá nhiều bước, học sinh không dễ làm.
Ví dụ một dạng toán khó cần 3 bước để giải. Nếu giảng một bài với 3 bước như vậy, học sinh không hiểu ý nghĩa từng bước và cũng không cùng lúc nhớ được hết 3 bước này. Với kinh nghiệm của mình lúc đó, "như vậy là tốt lắm rồi". Và mình đã giảng bài toán cho học sinh thành 3 bước. Hừm, cũng phải xin lỗi các bạn học sinh hồi đó thật. Tư duy lỗi quá.
Đến khi đi dạy nhiều hơn, gặp nhiều học sinh không hiểu bài ở những chủ đề khó đó. Mình dạy và chỉ một số bạn học khá hiểu được, 10 bạn được nghe mình giảng chủ đề đó thì 4 bạn hiểu bài, còn 6 bạn thì không hiểu hoặc rất lâu mới. Mình cần học sinh hiểu nhanh và nhớ lâu. Và mình đã nhận ra vấn đề.
Mục tiêu của mình là xây dựng quy trình học tập tự động, nếu trên một cách giảng mà chỉ có 40% học sinh hiểu bài thì tự động kiểu gì đây. Làm cách nào để tăng nó lên thành 8 thậm chí 9 10 bạn cùng hiểu. Đó thực sự là thử thách.
Bạn cũng có thể tham khoả những bài học hay tại Happy Math để khám phá những bài toán thú vị!
Mình xem lại các chủ đề khó kia và nghĩ cách giảng khác.
Như chia sẻ ở trên, một bài toán khó có 3 bước: bước 1, 2 và 3. Lần này mình chỉ giảng một bước mà thôi.
Mình tách riêng bước 1 và tự nghĩ các bài toán thực hành cho bước 1. Các bài toán này chỉ cần áp dụng duy nhất bước 1 là học sinh làm được bài. Tất nhiên, do nằm trong chủ đề khó, nên chỉ riêng bước 1 này thôi học sinh cũng mất nhiều thời gian để thạo rồi.
Tiếp theo, mình lặp lại bài tập dạng 1 này nhiều lần, kể cả khi học sinh đã làm được bài, mình vẫn tiếp tục giao tiếp nếu học sinh chưa tăng được tốc độ. Để mình ghi chú thêm, học sinh làm được và học sinh làm thạo sẽ hơi khác nhau. Làm được thì chỉ biết làm và đã hoàn thành bài đó một vài lần. Nhưng làm thạo thì không chỉ biết mà còn làm nhanh nữa.
Mình cần học sinh làm thạo bước 1.
Sau đó thì điều hay ho đã đến, mình giảng tiếp bước 2 và 3 thì học sinh hiểu bài nhanh hơn rất nhiều. Và đến khi hoàn thành bài tập bước 3, đã có 8 trên 10 bạn hiểu được bài tập này và nhớ nó lâu hơn rất rất nhiều.
Mình áp dụng cách thức này cho nhiều chủ đề khó khác và tự gọi nó là "Kĩ thuật bài giảng tối thiểu".
Một vài nguyên tắc mình đúc kết ra khi áp dụng kĩ thuật này là:
1. Chia cách giải bài toán thành nhiều bước.
2. Chọn bước được áp dụng nhiều nhất và tách thành dạng bài riêng.
3. Giảng kĩ và cho thực hành nhiều lần dạng này. Không chỉ làm được, CẦN làm thạo.
4. Chuyển sang các bước khó hơn.
Với cách học này, các bạn học sinh sẽ không bị choáng khi xử lý bài toán khó với nhiều bước giảng. Các bạn chỉ cần làm các bài toán dễ hơn, bớt căng thẳng hơn.
Cách làm này mình cũng thường xuyên áp dụng cho những bạn học yếu, hoặc hơi lười chút xíu hoặc hay quên. Mình thấy hiệu quả và nó thực sự thay đổi kết quả việc dạy học của mình rất nhiều.
Cũng phải nói thêm, bài viết này mình không có ý nói Tất Cả các học sinh của mình đều học tốt và tiến bộ. Đây là chỉ cách dạy mà mình thấy có hiệu quả với nhiều bạn, và tất nhiên không phải là có hiệu quả với Tất Cả. Cũng có những bạn học với mình mà không thể tiến bộ, có thể do cách giảng không hợp, hoặc một lí do ngầm nào đó. Ai biết được.
Nếu bạn thấy có ích, bạn có thể áp dụng thử nhé.
Cám ơn các bạn đã đọc bài viết dài ngoằng này của mình.